Friday, October 21, 2005

Phan Thiết

Không có gì nhiều để nói về Phan Thiết ngoài nước mắm. Từ ngoại vi thành phố, qua bãi biển Đồi Dương là ngửi ngay thấy "thương hiệu" nồng nàn của Phan Thiết. Nồng nàn đến mức mỗi khi rẽ vào trạm bơm xăng kiêm cửa hàng nước mắm, nhiều lúc mình cứ tưởng xe máy ở Phan Thiết chạy bằng mắm.

Lịch sử Phan thiết không có nhiều danh nhân, nơi đây chỉ là chỗ ghé qua của một vài tên tuổi. Bác Hồ hồi thanh niên có dậy học ở trường Dục Thanh, Phan thiết một thời gian. Cũng là một bước đệm để trước khi bác đi Pháp. Kỷ niệm của bác với Phan Thiết có lẽ không nhiều nhưng hiện nay trường Dục Thanh đã thành 1 khu di tích, đủ cả chỗ bác soạn bài, bác uống nước, bác dậy các cháu thể dục ...vv.


Ngoài ra Hàn Mặc Tử cũng có ở Phan thiết 1 thời gian và bị mắc bệnh hủi ở đây - người ta đồn là vì một lần đi chơi với bà Mộng Cầm, trú mưa trong một bãi tha ma, bị nhiễm hơi độc bốc lên mà thành bệnh. Khu vực lầu ông Hoàng bây giờ chính là nơi họ Hàn đã ở một thời gian, vì cái danh của ông vua thi ca mà bên cạnh trường Dục Thanh, Phan Thiết có thêm một địa điểm văn hóa.

Trong mấy chục năm cuối của thế kỷ 20, Phan thiết không có gì nổi bật. Gần đây, nhờ có vụ nhật thực toàn phần tháng 10/1995 mà Mũi Né, Phan thiết là nơi quan sát thuận lợi nhất, người ta mới đổ về đây để theo dõi và chợt nhận ra bãi biển này quả là "ngọc trong đá". Trước đây chỉ có các tay anh chị mới dám ra ở vùng đất Mũi Né, vì chỗ này rừng thiêng nước độc, đất đai khô cằn. Những cư dân đầu tiên hầu hết là dân ngụ cư, nhớ lại buổi đầu nếm mật nằm gai, bạt rừng xẻ núi khổ sở trần ai, ai cũng thấy ghê người. Gần 10 năm trở lại đây, đất Mũi Né đã chuyển từ tính bằng mẫu, sang tính bằng mét vuông. Nhiều người bỗng chốc phất lên như diều gặp gió. Bây giờ nếu ai đó ra Mũi Né chơi mà gặp một ông chủ nhà hàng dáng dấp phong trần, trên tay xăm trổ nhiều chữ Chămpa kỳ quái thì đích thị là 1 ông chủ đất xuất thân anh chị. Là nói thế chứ mình đã mấy lần ngồi khề khà với các bác này thấy họ còn điềm tĩnh, và tử tế hơn cả nhiều người xuất thân học thức. Chỉ có cái oai xưa thì vẫn còn nên đám giang hồ mới nổi cũng nể nang vài phần.

Ba năm lưu lạc giang hồ
Một ngày tu lại cơ đồ vẫn nên

Nhìn những người này, lại thấy cái gọi là "sự dấn thân" của giới học thuật, và của những người cầm bút thật là những danh từ sáo con bà nó rỗng.

Saturday, October 15, 2005

Về quê

Đường vô xứ nghệ quanh quanh
Non xanh nước biết như tranh họa đồ
Ai vô xứ Nghệ thì vô
Riêng choa choa ở thủ đô đời đời


Quê mình ở Nghệ, tính từ cụ tổ Hoàng Viết Nghiêu tới giờ đã là đời 22+. Theo gia phả thì cụ Nghiêu là bộ tướng của Trần Trùng Quang, lúc nhà Hồ nổi lên, quân Minh tràn sang ông cùng đồng sự phò vua chạy vào Nghệ lập nhà hậu Trần. Về sau thế cùng lực kiệt, vua bị quân Minh bắt phải trẫm mình xuống biển tự tự. Ông thay tên đổi họ về làng ở ẩn, lúc chết cũng phải chôn dấu không dám cho con cháu biết mộ ở đâu - là lệ cổ như thế, sợ nếu có sự gì thì chu di cửu tộc, cả đến người chết cũng không tha. Cũng vì sự ấy mà con cháu không biết chính xác về thân thế và sự nghiệp của ông, chỉ biết trong gia phả ghi mộ ông ở hướng đông bắc 300m từ bát hương trong am thờ họ.

Ngày nay chỗ ấy là chợ Trổ buôn bán trên bến dưới thuyền rất sầm uất. Con cháu cũng nhiều người muốn tìm lại mộ ông, nhưng các cụ gạt đi bảo cứ để nguyên không đào bới làm gì, chỉ làm thêm một cái miếu để đến phiên chợ các bà hàng thịt nhang khói cho ông. Như thế lại chả tươi bằng mấy rước ông về khu mộ tổ. Theo tiêu chuẩn xưa thì người như ông tổ cũng được coi là trung hiếu vẹn toàn, nhưng dù sao cũng là theo phò một ông vua đã mạt, một triều đại đã suy tàn.

Ko hiểu có phải thiếu thức thời là một đặc điểm di truyền của dòng họ hay không mà đến đời ông nội mình, chỉ vì ko đành bỏ đất đai hương hỏa mà đi nên bị dính vào cải cách ruộng đất - đến nỗi cả 3 anh em tuy không sinh cùng năm nhưng lại chết cùng năm. Nhưng như trong chuyện Tái ông đắc mã, cũng nhờ ơn Đảng và chính phủ mà cả họ mới được ra Hà Lội, mới có cơm no áo ấm. Nếu không giờ này cả làng còn đang kéo cầy ở quê choa.

Là nói thế chứ từ dạo có dự án cấp thoát nước của Nhật Hà nội cũng đỡ lội rồi. Dù mưa to mẫy người Hà Nội cũng không phải dắt xe, cứ rẽ nước mà đi thôi. Vả lại Thăng Long từ thủa Lý Thái Tổ thấy rồng lộn trên sông Hồng, Trần Hưng đạo cả phá quân Nguyên trên sông Như Nguyệt, Lê Thái Tổ quăng kiếm trả rùa ở ao Hoàn Kiếm - triều đại nào cũng phải dính ít nước thì mới hưng thịnh được - vì thế Hà Nội có hơi lội một tý thì cũng là sự thường.

Đoàn về quê có 19 người, đủ cả 3 thế hệ, 3 thành phần kinh tế. Đầu xe có chú Khóa, cuối xe có chú Tịnh thay nhau ngâm vịnh xướng họa từ đố tục giảng thanh đến chuyện cười đa quốc gia, lại thêm điều hòa mát lạnh, cho nên "hành quân xa nhưng không có nhiều gian khổ" mấy. Xe tốt, đường tốt nhưng đang giữa chiến dịch bắn tốc độ, dọc quốc lộ I rất nhiều anh hùng Núp nên xe chạy như rùa. Mãi quá ngọ mới ì ạch bò lên đèo Tam Điệp. Tới Thanh Hóa cả nhà dừng ăn trưa ở quán Thanh Còi. Quán rộng rãi, phục vụ tốt, xuất 40 khìn mà đầy đặn sạch sẽ ai cũng hài lòng. Chủ quán lại còn dí dủm làm 1 câu slogan to vật vã "nếu bạn thấy hài lòng hãy nói với mọi người xung quanh/ nếu bạn không hài lòng hãy nói nhỏ với chúng tôi". Mình cũng mong quán của Thanh còi làm ăn tốt để mỗi lần về quê có chỗ nghỉ chân.

Xế chiều đoàn mới tới Cửa Lò. Đã thành lệ, mỗi lần về quê, đoàn đều nghỉ ở KS Hoàn Kiếm Holiday của chú Linh, vì ở làng cũng chẳng có nhà nào có xí bệt - mà nhất quận công, nhì ra đồng thì sau mấy chục năm bị tha hóa ở thủ đô cả đoàn cũng không ai có nhã hứng. Mình với HồngAnh, chú Tịnh và chú Tý ra biển bơi. Trời hơi se se, nhưng nước khá ấm. Bơi lội một lúc rồi lên bờ ăn mực, uống bia với anh Hiếu và anh Thanh. Hóa ra cả đoàn chỉ có 4 người đi tắm, 2 ông lão chưa quá già bơi để bảo vệ sức khỏe, và 2 thanh niên chưa quá giầu để bị văn hóa resortism làm cho hư hỏng.

Trong lúc chờ cơm mấy thanh niên đi ké xe chú Linh ra chợ điện tử bãi. Mình mua được 1 cái điện thoại "mẹ bồng con" Panasonic giá 500 nghìn để phục vụ cho nhu cầu buôn chuyện. Anh Thanh thì làm được đôi loa to đại tướng và 1 cái đài cục gạch cho Hoà học tiếng Anh. Thế là chuyến đi ngoài việc thắp hương cho các cụ, con cháu cũng đã kết hợp mua thêm đặc sản bưởi Phúc Trạch và đánh hàng điện tử tiểu ngạch - thế là phù hợp với câu đối ở nhà thờ họ mà vế sau được chú Tịnh biên tập lại

Tổ tiên trọng nhân đức
Con cháu quý tiền tài

Bữa tối hôm ấy nhậu đồ biển, cơm rượu phủ phê - các cụ lại kể những câu chuyện "trọng nhân đức" đã kể từ nhiều năm trước, con cháu lại bàn tới những chuyện làm thế nào để "quý tiền tài" cho những năm sau. Tới lúc trên bàn chỉ còn toàn xương thì ngoài khơi đã thấp thoáng 'nửa vầng trăng khuyết ba sao giữa trời' , sóng biển rì rào dần dần đưa mọi người vào cõi mộng.

Thành phần bô lão và các cháu thiếu nhi về phòng ngủ. Lớp thanh niên và trung niên xa mẹ thì tụ tập xem bóng đá Anh. Trận đấu giữa Arsenal và Fullham hòa không bàn thắng vô cùng tẻ nhạt, nhưng câu chuyện của đám hậu sinh thì dần dần đi vào chiều sâu, trong lúc trà dư tửu hậu đã lan tới những chuyện điếu đóm trà nước của TW - thật vô cùng khả úy, tưởng cũng không cần nói nhiều.

Hôm sau đoàn về nhà thờ họ thắp hương, rồi ra viếng mộ các cụ. Trưởng đoàn Hoàng Xuân Hiếu tay lăm lăm GPS liên tục lưu lại toạ độ các địa điểm quan trọng. Các đoàn viên khác thì tranh thủ tác nghiệp bằng máy ảnh và camera kỹ thuật số, điện thoại di động. Ngoài mộ cụ tổ hiện đã kết dưới nền trợ Trổ như đã nói ở trên, trong nghĩa trang hiện có mộ cụ Hoàng Trừng và Hoàng Xuân Hãn là hoành tráng nhất. Kiến trúc theo kiểu hậu hiện đại hoài cổ giao tân, đằng trước xây bằng đá hoa cương đỏ, đằng sau ốp gạch men kính trắng, đắp nổi mấy chữ Hán font vi tính ghi lại chức danh của hai cụ. So với hàng tổng thế đã là thanh nhã và sang trọng bậc nhất rồi. Hương khói xong các bà, các chị lo nốt phần chuyển khoản vàng và đô la xuống cho các cụ, ngân lượng quy đổi ra cỡ vài trăm ngàn Mỹ kim, tuy rằng không nhiều lắm, nhưng họ ta truyền thống thanh bạch chắc cũng đủ tiêu xài.

Xong việc đoàn vào làng để các cụ giao lưu với bạn bè thủa chăn trâu, tay bắt mặt mừng khiến các bậc cao niên như quay lại thời thơ ấu. Tuy thế xem tình ý ít có cái vấn vương của người ly hương khi trông thấy cây đa bến nước đầu làng - mà có nhiều phần hào khí lâng lâng của những người đã vượt lên hoàn cảnh thoát khỏi lũy tre làng - "bọ ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng bãi Vọt lá rơi đầy".

Bãi Vọt là điểm xuất phát của đường 8A nối từ cửa khẩu Cầu treo sang Lào tới thị xã Hồng Lĩnh và đường I. Các cuộc ra đi của dân Nghệ, từ thủa bác Hồ rai đi tìm đường cứu nước, tới các cháu thiếu nhi ngày nay lên HN tìm đường cứu nhà đều lấy bại Vọt làm điểm xuất phát.

Bàn giao xong công việc và kinh phí xây dựng nhà thờ họ với chi bộ làng, đoàn quay ra thị xã Đức Thọ giao lưu với thầy trò trường Hoàng Xuân Hãn. Các cô giáo báo cáo thành tích dậy giỏi, các cháu chăm ngoan, nhiều năm đứng đầu tỉnh. Cũng nhờ nhiều em học giỏi là con cháu các quan tỉnh nên tuy kinh phí TW hạn hẹp nhưng trường vẫn duy trì được điều kiện học tập tương đối đảm bảo. Sang năm học mới, trường được chuyển sang tiếp quản cơ sở mới là Trường cấp 3 Minh Khai, diện tích tương đối rộng rãi hơn. Khi sang thăm trường mới, thấy tượng bán thân Nguyễn Thị Minh Khai trước cổng, các cụ bàn nhau bao giờ chuyển trường xong phải làm tượng ông Hãn đàng hoàng hơn, to đẹp hơn tượng bà Khai. Tượng đá làm tốt thì trăm năm chửa chắc đã mòn, nhể.

Sau bữa trưa thân mật với trường , đoàn lên xe trực chỉ hướng thủ đô. Trên đường về gần tới Hà Nội nghe đài báo bão số 7 gió giật trên cấp 12 đang tiến vào vùng biển miền Trung, cả đoàn vẫn thiu thiu ngủ. Ở quê choa tối nay chắc nhiều gió lắm.