Tuesday, July 26, 2005

Farne Island

Farne Island là một dẫy đảo nhỏ ở ngoài khơi vùng Đông Bắc UK. Địa điểm này khá nổi tiếng với những người thích xem chim (bird watching), còn với đại bộ phận dân chúng thì nơi này cũng không có gì đáng để tâm.

Đoàn khởi hành Haymarket lúc 9:00. Thành phần đoàn gồm có, Ngân, exchange student từ Pháp sang, Khôi_hun khói, kỹ sư đường ống, Khôi_underware kỹ sư hoá dầu kiêm bán gas, và tất nhiên là mình (về cái tên của 2 anh Khôi, sẽ trình bầy riêng ở một lần khác). Cách dễ nhất để đến Farne Island là đi xe bút từ Haymarket, bắt xe số 505/515 (lịch xe xem ở đây). Lộ trình:
- Newcastle - Alnick: đổi xe
- Alnick - Seahouse: farne Island nằm ở ngoài khơi Seahouse.


Vé 2 chiều cả ngày mất £4.5. Đến Seahouse, đoàn nhận được tin xấu là biển động, sẽ không có thuyền ra khơi, xẹp hết cả hứng đành lượn khu trung tâm chơi ăn lót dạ fish&chip - món này ở Anh chắc là tương đương với phở ở Việt nam, được cái là no hơn. Có 3 loại xuất: trẻ em, người lớn, và cỡ bự - mình muốn giữ thể diện cho người Việt nên an đĩa người lớn - nhưng ngắc ngứ chỉ xơi được hết cá còn khoa tây thì đành chịu - thôi thì để cho chim ăn vậy. Bên cạnh em Ngân cũng ngắc ngư với xuất trẻ em, còn Khôi_hun khói tất nhiên như thường lệ vẫn "empty e'verything" (chữ e' đọc lên giọng rất cao kiểu Sài gòong.

2:00 chiều, may sao trời cũng chiều lòng người, tự dưng nắng hửng lên. Một nhà thuyền liều mạng ra khơi, và một số khách liều mạng đi, trong đó có cả mình. Thuyền dài khoảng 20 m, rộng 10 m, nhét lên 70 mạng - mõi mạng 10 bảng tiền vé - tính ra một chuyến ấy nhà thuyền kiếm £700 - trừ £100 tiền dầu và hao mòn vẫn lãi ròng £600. MK tư bản dễ kiếm tiền thật. Thuyền tên là Happy Tiding, chắc ý là ngày nào cũng 2 bận thu tiền của khách, lợi nhuận tuôn vào vào như nước triều dâng. Bà chủ thuyền to béo có râu mép, trông hơi thô thế mà đặt tên tầu ý nhị ra phết.

Sóng tương đối to, hành khách hơi run - chú người Pháp ngồi cạnh mình vẫn tinh vi thò ống kính dài gần 1/2 mét ra chụp ảnh ra vẻ sẵn sàng hi sinh vì nghệ thuật. Bỗng nhiên u`m một nhát, thuyền cắt vào con sóng lớn, hành khách ngồi sát mạn bị ướt hết quần áo. Chú Pháp ướt hết máy ảnh - hi sinh luôn vì nghệ thuật - từ sau đấy đến tận lúc về thấy mặt chú rất buồn. Bài học rút ra là tình yêu nhiều khi phải trả giá rất đắt vì những thứ ta không ngờ tới.

Ra tới đảo, mỗi người lại phải trả thêm 5 bảng để lên xem chim, nếu không xin ngồi dưới thuyền ngửi cứt chim. Mình thấy rất bất bình về việc loài người phải mất tiền để xem chim, trong khi ngày nó chim cũng thoải mái xem người miễn phí - đấy là chưa kể cảnh quan thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân. Ở Việt nam, vào xem lăng Bác còn miễn phí, dạo trước còn được ăn lộc Bác 1 cái bánh mì - ở UK xem chim mất tận £5. Đúng là xã hội kém ưu việt.

Quay lại đảo chim, đại để cũng chỉ có 2-3 loại. Một loại đông nhất là con nhạn biển, loại này bé nhưng rất hung dữ, tốc độ bay lại nhanh. Ai lại gần tổ trêu chọc con của nó - nó sẵn sàng bay vào mổ mắt ngay. Mình biết thế nên kính nhi viễn chi ko dám lại gần, nếu không rất có thể sẽ thành độc nhãn lão quái.















Loại thứ 2 là con chim cốc, con này đen xì, đầu trọc lốc như giáo sư đại học, chân như chân vịt, bắt cá cực tài. Ở Việt nam ngư dân vẫn hay nuôi để bắt cá - họ đeo cho nó cái vòng cổ - nên cu cậu bắt được cá nhưng không nuốt được, đành phải mang vào cho chủ. Âu cũng là một cách bóc lột sức lao động của động vật hết sức tinh vi.


















Loại thứ 3 là con hải âu cổ rụt (puffin) - con này lại loại đặc trưng của vùng biển đông bắc nước Anh. Tiếng là hải âu nhưng cánh nó rất ngắn, mỏ bẹt như cái xẻng. Puffin thường đào những cái hang rất chằng chịt dưới đất, thấy động là lủi ngay xuống. Lúc ở trên mặt đất thì đi lại lạch bạch, bay cũng ỳ ạnh, tóm lại là cũng không được yêu kiều cho lắm.
















Ngoài 3 loại trên thì còn có vô số chim vô danh khác, thường tiêu dao ngày tháng bằng cách bắt cá, đẻ trứng và ị lên đầu hải đăng. Cây đèn biển ở Farne Island đã hơn trăm năm nay thi gan cùng sóng gió dẫn đường cho tầu bè vùng Đông Bắc, nhưng nhà kiến trúc nào năm xưa chắc không nghĩ cây hải đăng này lại là chỗ ưa thích để chim ị lên trắng xoá cả đầu. Vậy nên có bài thơ lục bát làm chứng rằng

Chải bao sóng gió giãi dầu
Đàn chim vẫn ị lên đầu hải đăng*



No comments: